Powered By Blogger

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

GÕ ĐỎ




Tên Việt Nam:GÕ ĐỎ
Tên Latin:Afzelia xylocarpa
Họ:Đậu Fabaceae
Bộ:Đậu Fabales 
Lớp (nhóm):Cây gỗ lớn  


GÕ ĐỎ

Afzelia xylocarpa (Kurz.) Craib, 1912.

Pahudia xylocarpa Kurz, 1876.

Pahudia cochinchinensis Pierre 1899.

Afzelia siamica Craib, 1911.

Afzelia cochinchinensis (Pierre) Leonard, 1950.

Họ: Đậu Fabaceae

Bộ: Đậu Fabales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ lớn, rụng lá, cao 25 - 30m, đường kính thân 0,8 - 1m. Vỏ màu nâu xám, sần sùi, trên mặt có nhiều lỗ màu nâu. Cành non nhẵn. Lá kép lông chim một lần chẵn, với 3 - 5 đôi lá chét; lá chét hình trái xoan, dài 5 - 6cm, rộng 4 - 5cm, chóp lá nhọn, gốc tù, nhẵn ở cả hai mặt. Cụm hoa hình chuỳ ở đỉnh cành, dài 5 - 15cm. Đài hình ống, cao 10 - 12 mm, đỉnh xẻ 5 thuỳ. Tràng màu hồng, dài 5 - 12mm, mặt trong có lông. Nhị 7, hơi hợp ở gốc. Bầu cao 7mm, có lông. Quả đậu dài 15 - 20cm, rộng 6 - 9cm, dày 2 - 3cm, khi quả già hoá gỗ màu nâu thẫm, có 5 - 8 hạt. Hạt hình trứng, dài 25 - 30 mm, dày 18 - 24 mm, mầu nâu thẫm hay đen, ở gốc có áo hạt cứng, màu da cam.

Sinh học, sinh thái:

Cây rụng lá vào khoảng tháng 12, đến tháng 1 - 2 (năm sau) ra lá non, có hoa khoảng tháng 3 - 4, quả chín tháng 10 - 11. Tái sinh tốt bằng hạt. Cây gặp ở rừng ẩm nhiệt đới, ở độ cao 300 - 700 m (có khi tới 1000m), nơi đất bằng phẳng hay trên những sườn dốc đất thoát nước, hiếm khi gặp ở ven suối.

Phân bố:

Trong nước: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kontum, Gia Lai (An Khê, Chư Prông), Đắk Lắk (Krông Bông), Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Thế giới: Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Giá trị:

Gỗ cứng, bền, có màu sắc và vân đẹp, được dùng đóng các đồ dùng trong gia đình, làm đồ điêu khắc trạm trổ, đóng các đồ mộc cao cấp, đồ mỹ nghệ.

Tình trạng:

Là loại gỗ rất quý nên Gõ đỏ thường bị săn lùng và khai thác rất mạnh. Ngoài ra nơi cư trú suy giảm do hiện tượng chặt phá rừng. Do vậy số lượng cá thể trưởng thành giảm sút rất nhanh, đến nay ít khi gặp được những cá thể có kích thước lớn.

Phân hạng: EN A1c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (Bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ  -  CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thư­ơng mại. Đã được bảo vệ trong một số khu bảo tồn thiên nhiên nhưng vẫn bị săn lùng khai thác. Nên thu gom hạt đưa vào trồng là biện pháp giữ giống và bảo vệ nguồn gen quí.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – Phần thực vật – Trang 146.

Nguồn : Sinh Vật Cảnh Việt Nam 

0 comments:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.